2 SIM 2 sóng chờ là gì, tại sao Apple lại dùng công nghệ này mà không phải 2 SIM 2 sóng cùng lúc?

[​IMG]


Những chiếc điện thoại Dual SIM xuất hiện từ lâu và dù những ngày đầu chúng bị “kỳ thị” như là hàng giá rẻ “Trung Quốc” nhưng ngày càng nhận được sự yêu thích của người dùng do tính tiện lợi. Đến mức mà ba chiếc iPhone vừa ra mắt của Apple cũng phải chiều lòng người dùng và cung cấp khả năng dùng Dual SIM.

Tuy nhiên không phải chiếc điện thoại Dual SIM nào cũng giống nhau. Trên thực tế, có hai loại công nghệ Dual SIM chính, đó là Dual Standby và Dual Active với điểm khác biệt rất lớn.

Nhìn chung, hai SIM nghĩa là có thể kết nối với hai mạng trên cùng một chiếc điện thoại. Hai SIM có thể cùng hoặc khác nhà mạng và có thể nhận, thực hiện cuộc gọi riêng biệt như trên hai chiếc điện thoại khác nhau.

Nhưng với điện thoại có Dual SIM Dual Standby (DSDS – hai SIM, hai sóng chờ), trong máy chỉ có một phần cứng tiếp nhận sóng để dùng chung cho cả 2 thẻ SIM. Nói cách khác là 2 SIM cùng chia sẻ bộ nhận sóng thông qua thuật toán mà nhà sản xuất tích hợp trong phần mềm.

[​IMG]

iPhone XS dùng DSDS (Ảnh: Zing.vn)

Còn với những điện thoại có Dual Sim Dual Active (DSDA – hai SIM, hai sóng gọi cùng lúc), bên trong máy có đến hai bộ nhận sóng riêng biệt, mỗi SIM dùng một bộ.

Điểm khác biệt quan trọng và ảnh hưởng tới người dùng nhất giữa Dual Standby và Dual Active là với Dual Standby, khi một SIM nhận cuộc gọi thì SIM kia sẽ tạm thời không liên lạc được do 1 SIM sẽ sử dụng hoàn toàn bộ nhận sóng và SIM kia sẽ mất sóng, và nếu có ai gọi đến thì SIM kia sẽ báo là không liên lạc được.

Với Dual Active, điểm yếu trên hoàn toàn biến mất vì mỗi SIM đều có bộ nhận tín hiệu riêng. Khi một SIM nhận cuộc gọi thì SIM kia vẫn có sóng và hoạt động bình thường. Trong trường hợp này, nếu có người gọi đến SIM kia khi bạn đang trong cuộc gọi khác thì tuỳ vào phần mềm của từng nhà sản xuất mà bạn sẽ có thông báo khác nhau, nhưng đa phần là sẽ nhận thông báo cuộc gọi đến và bạn có thể chọn giữ cuộc gọi hoặc thậm chí là kết hợp thành gọi nhóm nếu nhà mạng có hỗ trợ.

[​IMG]

Galaxy Ace Duos S6802 – chiếc smartphone “cổ” của Samsung có DSDA

Để kiểm tra máy của mình là DSDS hay DSDA thì đơn giản nhất là dùng SIM này gọi cho SIM kia trong máy, nếu thực hiện được cuộc gọi thì đó là DSDA, còn không thì là DSDS.

Có thể so sánh ngắn gọn DSDS và DSDA như sau:

  • Khi điện thoại đang ở chế độ chờ thì không khác biệt gì cả
  • Khi đang gọi điện (hoặc gửi SMS) bằng 1 SIM, SIM kia sẽ bị ngắt kết nối khi dùng máy DSDS và với DSDA thì SIM còn lại vẫn hoạt động bình thường.

Trong trường hợp bạn gọi điện hoặc nhắn tin bằng các ứng dụng qua mạng 3G hay 4G, dù là DSDS hay DSDA thì SIM kia vẫn hoạt động được vì kết nối 3G và 4G trên di động dùng kỹ thuật chuyển mạch gói thay vì chuyển mạch kênh như cuộc gọi thông thường (2G).

Vấn đề không thể kết nối khi 1 SIM đang thực hiện cuộc gọi với các máy DSDS sẽ gây khó chịu với không ít người dùng, vì thế từ lâu các nhà sản xuất và nhà mạng đã tìm ra giải pháp cho việc này với tính năng chuyển cuộc gọi. Lấy ví dụ trên máy Samsung thì sẽ gọi là “Luôn bật Hai SIM” hay Sony là “Dùng sóng SIM Kép”. Nếu tính năng này được kích hoạt và bạn sử dụng, ví dụ như SIM 1 để xử lý một cuộc gọi đang diễn ra, bất kỳ cuộc gọi nào vào SIM 2 sẽ được chuyển tiếp qua SIM 1. Điều này có nghĩa rằng bạn có thể giữ cuộc gọi đang thực hiện và trả lời cuộc gọi được chuyển tiếp vào SIM 1 từ SIM 2 (mà vẫn bị vô hiệu hóa) và ngược lại. Tính năng này còn tuỳ thuộc vào nhà mạng có hỗ trợ hay không, nhưng đa phần là có.

Tuy nhiên, iPhone vẫn chưa hỗ trợ chuyển cuộc gọi nên hơi bất tiện nếu bạn nào thường xuyên liên lạc.

[​IMG]

Tính năng Luôn bật Hai SIM trên Samsung. Một số nhà mạng không tự động cung câp chuyển tiếp cuộc gọi mà bạn phải đăng ký

◤ TẠI SAO CÁC NHÀ SẢN XUẤT LẠI CHUỘNG DSDS HƠN DSDA? ◢

Thoạt nghe có vẻ DSDA hoàn toàn “trên cơ” DSDS, thế thì tại sao lại không được áp dụng? Trên thực tế, trước đây có rất khá nhiều điện thoại Android được trang bị DSDA, nhưng gần đây dường như không còn nữa, hầu hết các máy trên thị trường hiện nay, có thể là từ năm 2014 trở đi, đều là DSDS như Apple áp dụng trên iPhone mới dù cho DSDS có hạn chế lớn về việc nhận sóng trên 2 SIM.

Như đã nói ở trên, DSDS do có chung một bộ nhận tín hiệu cho 2 SIM nên chỉ cần thêm một không gian nhỏ cho thẻ SIM thứ hai trong máy là đã sử dụng được, do đó chi phí gia tăng là không đáng kể.

Còn đối với DSDA, nhà sản xuất cần phải trang bị thêm một bộ nhận tín hiệu cho SIM thứ hai nên sẽ gia tăng chi phí và làm phức tạp quá trình sản xuất, cũng như cần phải tuỳ biến phần mềm phức tạp hơn và thậm chí có thể cần mua thêm bản quyền sáng chế để thực hiện.

[​IMG]

Hầu hết mọi smartphone ngày nay nếu có 2 SIM, đều là DSDS


Ngoài lý do chi phí, một nguyên do nữa khiến DSDA không được các nhà sản xuất ưa thích là công nghệ này sẽ khiến thời lượng dùng pin của điện thoại bị giảm rất nhiều. Đối với smartphone, vốn đã có thời lượng pin không dư dã gì thì điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến người dùng.

Ở một số thị trường như Mỹ, nơi mà người ta thường mua smartphone qua nhà mạng thì áp dụng hai SIM sẽ ảnh hưởng đến nhà mạng vì khách hàng có thể mua máy rồi ký hợp đồng dùng SIM rồi sau đó mua thêm một SIM của nhà mạng khác để sử dụng. Có lẽ đây cũng là lý do mà iPhone hai SIM chỉ hỗ trợ 1 SIM vật lý và SIM còn lại là e-SIM (thị trường Trung Quốc, Hong Kong có 2 SIM vật lý), một phần là hợp tác với nhà mạng dễ hơn và cũng giúp mở đường cho e-SIM sau này.

Ngày nay, số lượng điện thoại 2 SIM đang dần xuất hiện nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của người dùng, gần như mọi hãng sản xuất đều có điện thoại hai SIM nhưng gần như không hề có một chiếc DSDA nào từ các hãng lớn cả ( như Samsung, LG, Motorola/Lenovo, Huaiwei, ASUS, Acer, Sony, HTC, Xiaomi, Oppo,…) vì các yếu điểm như đã nói ở trên. Do vậy việc iPhone dùng DSDS cũng là bình thường, còn Apple có thực hiện tốt việc quản lý hai SIM trên iPhone mới hay chưa là một vấn đề khác mà chúng ta sẽ bàn sau.

Gửi phản hồi